Cùng với sự phát triển của internet, các hành vi xâm phạm bản quyền diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Trong các tranh chấp bản quyền, một trong những tài liệu mà các bên cần phải cung cấp là chứng cứ chứng minh tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Việc đăng ký bản quyền tác giả càng sớm càng giúp cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ngăn chặn hoặc hạn chế được các đối tượng khác thực hiện hành vi sao chép, đạo nhái tác phẩm hoặc thậm chí là mang tác phẩm của mình đi đăng ký.
1. Đăng ký bản quyền tác giả là gì?
Theo định nghĩa trong Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Tại sao phải đăng ký quyền tác giả?
Theo quy định hiện nay, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký và việc nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả.
Mặc dù vậy, việc đăng ký quyền tác giả vẫn được khuyến khích thực hiện bởi lẽ các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp (trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại).
Nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, các đương sự phải cung cấp các chứng cứ cần thiết khác để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả. Trên thực tế, nhiều trường hợp không thể cung cấp được các chứng cứ khác do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả làm mất, hỏng hoặc không còn lưu giữ.
3. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc,công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Tác phẩm phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
4. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
– Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
– Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
– Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu
5. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Để đăng ký bản quyền tác giả, tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị các tài liệu sau:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả (Theo mẫu tại Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 06 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan). Tổ chức, cá nhân cần lưu ý lựa chọn chính xác mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả phù hợp với loại hình tác phẩm dự định đăng ký.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.
b) bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử);
c) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải ghi cụ thể thông tin liên hệ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; tên tác phẩm; phạm vi ủy quyền; thời hạn ủy quyền. Trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.
d) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền, bao gồm:
- Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực.
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
g) Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
- Tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.
- Tài liệu trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt (có công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự); phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp thì cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ.
6. Yêu cầu về tác phẩm trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả
- Tên tác phẩm phải phù hợp với nội dung và loại hình tác phẩm
- Tác phẩm có một phần hoặc toàn bộ nội dung được thể hiện bằng ngôn ngữ không phải tiếng Việt thì phải kèm theo bản mô tả bằng tiếng Việt.
- Tác phẩm thể hiện dưới dạng tốc ký và các ký hiệu tương tự khác thì phải kèm theo bản mô tả bằng tiếng Việt có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Tác phẩm điện ảnh phải bao gồm kịch bản văn học là sản phẩm sáng tạo của biên kịch dưới dạng văn bản thể hiện toàn bộ diễn biến của câu chuyện phim; kịch bản phân cảnh là sản phẩm sáng tạo của đạo diễn dưới dạng văn bản thể hiện kỹ thuật chuyên môn và phương pháp thực hiện các cảnh quay của bộ phim dựa trên kịch bản văn học.
- Đối với tác phẩm mỹ thuật: Bản sao tác phẩm là ảnh chụp các góc độ thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm.
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- a) Bản sao tác phẩm phải được thể hiện rõ ràng trên khổ giấy A4 thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm;
- b) Trường hợp tác phẩm có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt; có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập;
- c) Tác phẩm có nội dung liên quan tới y khoa, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù khác cần có văn bản, giấy tờ xác nhận, thẩm định, phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Tác phẩm kiến trúc phải bao gồm các bản vẽ kỹ thuật tổng thể thể hiện các chi tiết kiến trúc (gồm các mặt cắt bằng, mặt cắt đứng từ nhiều phía, các hình chiếu thẳng góc) và bản vẽ phối cảnh 3D. Tác phẩm phải được đánh số thứ tự lần lượt các trang.
- Sách giáo khoa: Nội dung tác phẩm cần thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục, nêu đầy đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề, bài học.
- Chương trình máy tính: Bản sao chương trình máy tính bao gồm đĩa CD có chứa chương trình máy tính đó (1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên chương trình máy tính) và bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code của chương trình máy tính đó. Trường hợp bản in phần mã code chương trình máy tính nêu trên có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code.
- Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được thay thế bằng ảnh chụp thể hiện không gian ba chiều đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh, tác phẩm độc bản.
7. Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả
– Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho Cục Bản quyền tác giả và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
– Cục Bản quyền tác giả rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì Cục Bản quyền tác giả trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
– Cục Bản quyền tác giả lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả; 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp như một tài liệu đính kèm không tách rời Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
8. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, các điều kiện để được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả bao gồm:
a) Tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm, đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12a và Điều 13 của Luật Sở hữu trí tuệ;
b) Tác phẩm thuộc loại hình quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ;
c) Thành phần hồ sơ đăng ký hợp lệ theo quy định.
9. Các trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Cục Bản quyền tác giả từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và trả hồ sơ, thông báo bằng văn bản trong các trường hợp sau:
a) Không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 38 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP;
b) Phát hiện tác phẩm có hình thức hoặc nội dung: Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; mê tín dị đoan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật;
c) Phát hiện tác phẩm đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án hoặc Trọng tài;
d) Hết thời hạn theo thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà Cục Bản quyền tác giả không nhận được hồ sơ hợp lệ hoặc hồ sơ đã nộp lại vẫn không hợp lệ.
10. Cách thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả
– Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả có thể nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Cục Bản quyền tác giả, Điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh, Điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại thành phố Đà Nẵng. Thông tin về địa điểm nộp hồ sơ như sau:
- Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan – Cục Bản quyền tác giả, địa chỉ: số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
- Điểm tiếp nhận hồ sơ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
- Điểm tiếp nhận hồ sơ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 4, số 01 An Nhơn 7, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng
– Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cũng có thể có thể nộp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (https://dichvucong.bvhttdl.gov.vn) (Lưu ý: Tổ chức, công dân nộp hồ sơ bản giấy (bản gốc) tới Cục Bản quyền tác giả sau khi được xác nhận nộp hồ sơ thành công trên Cống dịch vụ công trực tuyến).
– Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đại diện hợp pháp bao gồm:
- Trường hợp cá nhân đăng ký quyền tác giả: Người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của cá nhân;
- Trường hợp tổ chức đăng ký quyền tác giả: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của tổ chức ủy quyền; tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của tổ chức; người đứng đầu trụ sở, văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam nếu là tổ chức nước ngoài.
– Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài không có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoặc thông qua ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.
11. Dịch vụ đăng ký bản quyền
Được thành lập từ năm 2007, KIBLAF là một trong những công ty luật uy tín và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Các luật sư và chuyên gia của chúng tôi đều có kiến thức chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, và hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam.
KIBLAF là một tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được Cục Bản quyền tác giả cấp phép. Chúng tôi đã tư vấn và cung cấp dịch vụ cho rất nhiều khách hàng trong việc đăng ký bản quyền tác giả tại Việt Nam.
Bằng sự tận tâm, chuyên nghiệp và trách nhiệm nghề nghiệp của mình, chúng tôi bảo đảm cung cấp cho các khách hàng của mình chất lượng dịch vụ ở mức cao nhất và luôn sẵn sàng hỗ trợ quý Khách hàng đối với mọi vấn đề liên quan đến đăng ký và bảo vệ bản quyền tại Việt Nam.
HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN!
Tư vấn miễn phí – Thủ tục nhanh gọn – Chi phí hợp lý