Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Ấn Phẩm

Đăng Ký Bảo Hộ Logo: Đăng Ký Quyền Tác Giả Hay Đăng Ký Nhãn Hiệu?

Nội dung bài viết

Trên thực tế, thuật ngữ “logo” không được quy định trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, mặc dù đây là một khái niệm được sử dụng rộng rãi. Theo cách hiểu thông thường, logo là một thiết kế mang tính biểu tượng, liên tưởng được sử dụng làm dấu hiệu đặc biệt để đại diện cho một công ty, một tổ chức, một sự kiện, một cuộc thi, một phong trào hay một cá nhân nào đó. Logo có thể được sử dụng vào các mục đích thương mại hoặc phi thương mại.

Các hình thức có thể đăng ký đối với một logo

Để bảo hộ tốt nhất các quyền đối với một logo, chúng ta cần xác định các hình thức mà một logo có thể đăng ký theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Hiện nay, logo có thể được đăng ký dưới hai hình thức sau:

  • Đăng ký quyền tác giả (Bản quyền);
  • Đăng ký nhãn hiệu.

Đăng ký quyền tác giả

Dưới góc độ về quyền tác giả, một logo có thể được coi là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí (Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP).

Do đó, người sáng tạo ra logo và chủ sở hữu logo cũng chính là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với logo đó. Quyền tác giả đối với một logo bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

– Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

+ Đặt tên cho tác phẩm;

+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

+ Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

+ Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

– Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

+ Làm tác phẩm phái sinh;

+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

+ Sao chép tác phẩm;

+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Các quyền tài sản được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với một logo phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Việc nộp đơn đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả

Mặc dù không bắt buộc phải đăng ký để được bảo hộ nhưng trên thực tế hành nghề của mình, KIBLAF thường khuyến nghị khách hàng của mình thực hiện đăng ký quyền tác giả. Điều này sẽ giúp cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có được chứng cứ pháp lý chứng minh quyền tác giả của mình khi xảy ra giải quyết tranh chấp hoặc gặp thuận lợi trong việc chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với logo của mình.

Đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Như vậy, chức năng sử dụng của logo về cơ bản tương tự như chức năng sử dụng của nhãn hiệu.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chỉ được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Như vậy, để được bảo hộ đối với một logo, bạn cần phải thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Người được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là chủ sở hữu và được hưởng quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ và trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Khi xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền sử dụng văn bằng bảo hộ làm căn cứ chứng minh quyền của mình mà không cần chứng cứ nào khác.

Chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền tài sản sau đây:

– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu. Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

+ Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

+ Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;

+ Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

– Chủ sở hữu nhãn hiệu và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu;

– Định đoạt nhãn hiệu.

So sánh Đăng ký quyền tác giả và Đăng ký nhãn hiệu

Đăng ký quyền tác giả và Đăng ký nhãn hiệu có cách thức đăng ký và cơ chế bảo hộ khác nhau ở một số điểm cơ bản như sau:

STT

Đặc điểm

Đăng ký quyền tác giả (Bản quyền)

Đăng ký nhãn hiệu

 

Cơ sở phát sinh quyền

Phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào việc đăng ký.

Xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ.

 

Thời gian đăng ký

Người nộp đơn mất 15-20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Chủ đơn phải mất khoảng 18-24 tháng để nhận được kết quả thẩm định nội dung đơn (cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ) kể từ ngày nộp đơn.

 

Cơ chế bảo hộ

Bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả đối với tác phẩm. Theo đó, Logo của quý Khách hàng là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Bạn có quyền cấm các chủ thể khách sao chép và phân phối logo hoặc bản sao logo của mình.

Bảo hộ theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp. Khi đã được cấp văn bằng bảo hộ, bạn có quyền cấm các chủ thể khác sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với Logo của mình cho các sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự với sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang kinh doanh.

 

So sánh

Khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Logo của bạn sẽ có cơ chế bảo hộ mạnh hơn so với quyền tác giả. Các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với Logo của bạn sẽ không thể được các chủ thể khác sử dụng hay đăng ký cho các sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự với sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang kinh doanh.

Đối với quyền tác giả, nếu các chủ thể khác không sao chép toàn bộ Logo (sao chép 100%) thì việc xử lý vi phạm rất khó khăn trên thực tế.

Ngoài ra, đối với phần chữ trong Logo, quyền tác giả đối với tác phẩm chỉ bảo hộ toàn bộ hình thức thể hiện, không bảo hộ riêng phần chữ viết. Trong khi đó, phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu của quý Khách hàng có thể được bảo hộ tổng thể (đối với hình thức thể hiện logo) và bảo hộ riêng đối với phần chữ (nếu phần chữ đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ).

Trong quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm, dịch vụ cụ thể và chủ đơn phải xác định các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu trong đơn đăng ký nhãn hiệu. Khi đăng ký quyền tác giả, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả không phải xác định mục đích sử dụng tác phẩm.

Một số khuyến nghị

Theo kinh nghiệm của KIBLAF, bạn nên đăng ký logo cả hai hình thức nêu trên để bảo hộ tốt nhất quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với Logo. Bởi lẽ, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cấp trong thời gian từ 15-20 ngày làm việc. Do đó, trong thời gian chờ đợi kết quả thẩm định đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, bạn có thể sử dụng quyền tác giả để ngăn chặn các hành vi sao chép trái phép Logo, xâm phạm quyền tác giả của mình.

Bên cạnh đó, do quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có cơ chế bảo hộ khác nhau, nên vận dụng linh hoạt các quyền trên sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm. Ví dụ, nếu một bên sử dụng logo của bạn cho các sản phẩm, dịch vụ không trung hay tương tự với sản phẩm, dịch vụ mà bạn đã đăng ký cho logo, bạn hoàn toàn có thể sử dụng quyền chống sao chép trong quyền tác giả để yêu cầu bên đó chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Trường hợp bạn chỉ muốn đăng ký một hình thức, bạn nên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ mà bạn dự đinh sử dụng logo. Đồng thời, bạn nên lưu trữ các chứng cứ, tài liệu thể hiện bạn là người trực tiếp sáng tạo ra logo hoặc chủ sở hữu logo (có thể là file thiết kế gốc, hợp đồng thiết kế logo, lời chứng thực của những người làm chứng,…) và tốt nhất là bạn nên lập Vi bằng các tài liệu, chứng cứ trên thông qua Thừa phát lại.

Share:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email
Print

Bài viết liên quan